10 lời Phật dạy về chữ hiếu đạo làm con

10-loi-phat-day-ve-chu-hieu

“Cha mẹ sống không hiếu đạo, chết rồi thờ cúng ai ăn?

Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu.

Vu Lan năm này con mất mẹ, bông hồng trắng cài nơi tim, nỗi đau thấu trời này ai hiểu?”

Hiếu thảo là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của mỗi người mà Đức Phật luôn đề cao. Những lời Phật dạy về chữ hiếu là kim chỉ nam soi đường cho những đứa con lầm lỗi biết tìm nơi quay về, nơi gia đình có cha mẹ bao dung yêu thương vô bờ bến.

Phàm được sinh ra ở đời, ai cũng có mẹ có cha. Tuy nhiên, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, mỗi người lại có một số phận khác nhau, vinh hoa hay nghèo hèn khác nhau. Thế nhưng, chúng ta không thể vì vào những điều đó để bất hiếu với cha mẹ. Lời Phật dạy về chữ hiếu không phải là những câu kinh lớn lao, nó giản đơn thuần hậu, nhưng lại vô cùng sâu sắc. Đạo hiếu cũng là phẩm hạnh mà Phật giáo đề cao nhất ở người Phật tử: “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là đi tu”.

10-loi-phat-day-ve-chu-hieu

Có một câu chuyện kể như sau: Gia đình nọ có người mẹ đã cao tuổi. Vì tuổi đã cao nên chân tay lóng ngóng, ăn cơm chậm chạp và thường rơi vãi. Người con trai và cô con dâu lấy đó làm điều chướng tai gai mắt, đối đãi với bà cụ vô cùng tệ bạc. Thường mỗi bữa ăn cho bà ngồi riêng một góc nhà, lấy những phần thức ăn xương xẩu cho bà. Người mẹ đắng lòng nhưng hiểu mình tuổi già sức yếu chỉ biết nương nhờ con cái, mỗi ngày chỉ biết nuốt lệ mà chan cơm.

Nhà đó có một cậu con trai. Cậu con trai mỗi ngày đều nhìn thấy sự hắt hủi của bố mẹ với bà nội. Bản thân cậu thì lại được nuông chiều thương yêu hết mực. Trong một lần ăn cơm, khi mẹ cậu gắt gỏng vì bà nội định gắp miếng ngon, đã dùng đũa mà hất chén cơm của bà : “Bà già rồi, ăn chi mấy thứ đó, để con trẻ nó ăn mà lớn chứ”, vô tình làm rơi bát của bà, cậu đã hét tướng lên rằng: “Mẹ không được làm vỡ bát của nội, bát đó, còn để sau này ba mẹ già con dùng cho ba mẹ ăn cơm đấy”.

Chữ hiếu có nhân quả hay không? Thưa là có. Hành động của chúng ta với cha mẹ mình hôm nay sẽ là tấm gương phản ảnh cuộc sống của chúng ta khi về già. Nếu nhân quả kiếp này chưa báo, thì kiếp sau nhất định sẽ nhận. Lời Phật dạy về chữ hiếu khẳng định rằng: trong tất cả các tội của người, bất hiếu là tội nặng nhất. Hiểu được điều này, mỗi người chúng ta phải biết tôn kính mẹ cha, như 10 lời Phật dạy hay về chữ hiếu dưới đây:

  1. Phụng thờ cha mẹ, hiếu với cha mẹ tức là kính Phật, phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy.
  2. Phật dạy 10 ân đức của đấng sinh thành: mang thai, sinh nở, lo lắng, bú mớm, nuôi nấng, chăm sóc, thương nhớ, vì con làm ác, mến thương trọng đời, nhường khô nằm ướt. Mỗi người phải ghi nhớ ơn sinh thành để luôn giữ lòng hiếu kính.
  3. Lời Phật dạy về đạo hiếu rất rõ ràng: Đạo Phật chính là đạo hiếu, hiếu là cốt lõi nền tảng của đạo Phật, người bất hiếu thì làm việc gì cũng khó, cúng dường 10 phương mà bất hiếu với cha mẹ cũng như không.
  4. Đền đáp ơn cha nghĩa mẹ, lóc thịt trả cha, lóc xương trả mẹ, cũng không thể nào đền đáp hết công ơn.
  5. Bất hiếu là tội nặng nhất trong các tội nặng: Trăm điều thiện, hiếu đứng đầu. Trăm điều ác, không gì bằng bất hiếu.
  6. Chữ hiếu có luật nhân quả. Vì vậy muốn con cái mình hiếu thuận với mình, tự bản thân phải có hiếu với bố mẹ.
  7. Phật tử càng phải đề cao chữ hiếu trong đời sống hằng ngày.
  8. Lời Phật dạy về chữ hiếu đề cao tình mẫu tử, bởi vậy mà có lễ Vu Lan để mỗi người có thể lấy niềm còn mẹ mà vui, lấy niềm mất mẹ làm nỗi đau lớn nhất đời người.
  9. Nghĩa mẹ là trời biển, bao kiếp người luân hồi, sữa mẹ mà ta uống còn nhiều hơn nước trong đại dương.
  10. Người làm tròn đạo hiếu cũng như là đã tu thành đạo Phật.